Cấp cứu: Những tình huống ngạt thở


Hồi mình còn học nội trú, lúc ấy mới chân ướt chân ráo bước vào ngành hồi sức cấp cứu, trong một buổi trực mình được chứng kiến các anh nội trú khóa trên cấp cứu cho một trường hợp block nhĩ thất cấp III, ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Trường hợp cấp cứu ngừng tuần hoàn này đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với mình, cả đời có lẽ khó có thể quên được.

Trong buổi trực tại Khoa Cấp cứu A9 hôm ấy, vào quãng 20:00 giờ tối, một người bệnh nam giới cỡ 50 đến 55 tuổi được xe cấp cứu 115 đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, mạch quay khó bắt, trên monitor cho thấy nhịp tim rất chậm, chậm lắm í và không đều. Nếu mình nhớ không nhầm thì hồi đó phụ trách tua trực là bác sĩ cọc 1 Lê Văn Ký và các anh bác sĩ nội trú khóa trên. Nhịp tim của bệnh nhân này lúc vào viện chỉ cỡ khoảng 20 lần/phút và nhanh chóng chuyển thành ngừng tim.

Ngay lập tức, các bác sĩ và điều dưỡng trực hôm ấy đã tiến hành hồi sinh tim phổi cho người bệnh. Dưới sự chỉ đạo của trưởng tua trực hôm đó, người thì ép tim, người thì bóp bóng có oxy qua mask, người thì tiêm thuốc theo y lệnh, người thì ở vòng ngoài để phụ giúp...

Điều khiến mình có ấn tượng ban đầu với trường hợp này là bệnh nhân cứ được ép tim thì ý thức lại cải thiện, thậm chí tỉnh táo hoàn toàn, nhưng khi bác sĩ vừa rời tay ra khỏi ngực người bệnh thì ý thức người bệnh lại xấu đi ngay lập tức và trên monitor vẫn cho thấy điện tim là một đường thẳng (tim không đập hoặc ngừng tim).

Trong tình huống lúc đó, ngoài các thuốc trợ tim và kích mạch, bệnh nhân liên tục được ép tim bởi nhiều bác sĩ thay phiên nhau, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để khai thông đường thở và hỗ trợ hô hấp. Đồng thời, bác sĩ phụ trách tua trực đã gọi điện thoại mời bác sĩ chuyên khoa tim mạch tới để hội chẩn cấp cứu tại cáng.

Trong lúc bệnh nhân vẫn được hồi sinh tim phổi, các bác sĩ cấp cứu và tim mạch đã khám, đánh giá và đều có nhận định rằng bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất (block nhĩ thất cấp III) và ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhân này là chụp mạch vành và tái tưới máu cơ tim (đặt stent đoạn động mạch vành bị tắc) cấp cứu.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là bệnh nhân đang bị ngừng tuần hoàn, cứ rời tay ra là tim ngừng đập và ý thức bệnh nhân xấu đi, không thể đặt máy tạo nhịp ngoài hay tạo nhịp trong có hiệu quả được nhằm duy trì cho tim đập để vận chuyển.

Sau gần 2 giờ đồng hồ cấp cứu, một quyết định táo bạo đã được đưa ra sau đó, quyết định này là điều khiến mình có ấn tượng rất mạnh mẽ và chính điều này khiến mình không thể quên trường hợp cấp cứu người bệnh ngừng tim này. Với sự quyết tâm cao, các bác sĩ cấp cứu và tim mạch đã thống nhất bằng mọi giá phải đưa bệnh nhân tới phòng chụp mạch ngay lập tức.

Hai ê kịp cấp cứu trong tua trực tại Khoa Cấp cứu A9 được huy động để vận chuyển bệnh nhân vào phòng can thiệp mạch cánh đó khoảng 150 m. Hồi ấy, Bệnh viện Bạch Mai chưa có xe điện, chưa có máy ép tim, do vậy bệnh nhân được đặt nằm trên cáng, một bác sĩ cũng phải ngồi trên cáng để ép tim cho người bệnh (giờ mới dám nói vì sợ truyền thông lại ném đá như bác sĩ giẫm chân lên giường năm nào) trong khi các đồng nghiệp khác vừa bóp bóng vừa đẩy cáng vận chuyển bệnh nhân vào phòng can thiệp mạch.

Kết quả cấp cứu này thực sự mĩ mãn, hồi đó mà đăng lên báo mạng sẽ câu được rất nhiều view - mình dám chắc thế, chỉ mất cỡ 30 phút, mạch vành tắc đã được tái thông, bệnh nhân có nhịp xoang và huyết áp ổn định dưới sự hỗ trợ của các thuốc trợ tim và co mạch. Chỉ một tuần sau khi vào cấp cứu, bệnh nhân được ra viện về đoàn tụ với gia đình.
Cách đây một tuần, Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã phối hợp với nhau cấp cứu một trường hợp ngừng tim vì rối loạn nhịp thất. Tuy nhiên, có điều khác là người bệnh được cấp cứu, được vận chuyển từ Khoa Cấp cứu A9 lên Khoa Hồi sức Tích cực để chạy máy ECMO bằng cáng và máy ép tim tự động (xem ảnh), các bác sĩ không phải ngồi lên cáng như dạo nào nữa. Hôm nay, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, huyết động ổn định, sẽ được cai và thôi ECMO trong 1 đến 2 ngày tới.
Chân thành cảm ơn bác sỹ đã chia sẻ công việc đầy khó khăn và áp lực của mình !
Bác sỹ: Lương Quốc Chính
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai
Bùi Gia.