Bệnh viêm ruột do Vibrio parahaemolyticuso

Vibrio parahaemolyticus gây ra hai hội chứng lâm sàng khác biệt nhau là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu, kèm theo đau bụng và sốt, kiểu lỵ trực khuẩn. Thông thường bệnh nhẹ và ít nguy hiểm, song nếu phát hiện chậm và không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tử vong.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus

BỆNH VIÊM RUỘT DO VI-BỜ-RI-Ô PA-RA-HÊ-MÔ-LY-TI-CÚT
(Enteritis Vibrio parahaemolyticuso)
1. Đặc điểm của bệnh
- Bệnh viêm ruột do Vibrio parahaemolyticus là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống.
- Vibrio parahaemolyticus gây ra hai hội chứng lâm sàng khác biệt nhau là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu, kèm theo đau bụng và sốt, kiểu lỵ trực khuẩn. Thông thường bệnh nhẹ và ít nguy hiểm, song nếu phát hiện chậm và không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tử vong.
- Hiện nay, Vibrio parahaemolyticusđã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển và hải sản. Trong khoảng 50 năm qua, người ta đã nghiên cứu nhiều về loại vi khuẩn này.
- Các nhà khoa học lo ngại do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng lên dẫn đến sự tăng vọt bất ngờ và đột ngột của V.parahaemolyticus - loại vi khuẩn một thời có vẻ như chỉ gây nhiễm khuẩn nhẹ. Dịch tễ học của vi khuẩn đã thay đổi và những týp huyết thanh mới phát hiện đã được thừa nhận là nguyên nhân của sự thay đổi này.
1.1. Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Dạng tả nhẹ: Nôn và tiêu chảy dạng tả: Phân lỏng, toé nước, mùi hơi tanh, màu xanh hoặc xanh vàng. Nôn và tiêu chảy nhiều có thể dẫn đến mất nước cấp. Hầu như không sốt , không đau bụng
+ Dạng Lỵ trực khuẩn: Tiêu chảy phân lỏng lờ lờ máu cá, mùi thối, kèm theo đau bụng và sốt, kiểu lỵ trực khuẩn.
- Ca bệnh xác định: Là ca bệnh tiêu chảy cấp khi lấy phân hoặc chất nôn nuôi cấy bắt được V.parahaemolyticus.
Ca bệnh xác định liên quan dịch tễ học: là những ca bệnh tiêu chảy cấp cùng ăn uống chung và có triệu chứng tương tự với ca bệnh (+).
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự
- Tiêu chảy do: Tả, ETEC (E.coli sinh độc tố ruột), rotavirus, vi rút Norwalk
- Nếu tiêu chảy phân có máu cần phân biệt tiêu chảy do: Lỵ trực khuẩn, Campylobater, EHEC (E.coli 0157:H7; E.coli sinh độc tố verotoxin)
1.3. Xét nghiệm
- Loại mẫu bệnh phẩm: Phân, chất nôn của bệnh nhân hoặc thực phẩm nghi ngờ, phân của người lành nghi mang vi khuẩn.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Soi tươi dưới kính hiển vi nền đen hoặc kính hiển vi phản pha thấy chúng di động rất nhanh (giống như sao sa)
+ Nuôi cấy bệnh phẩm để phân lập được vi khuẩn V. Parahaemolyticus và làm kháng sinh đồ. Virio parahaemolyticus phân lập được sẽ cho phản ứng tán huyết rất rõ trên môi trường thạch máu (Kanagawa + )
Trong lĩnh vực Thủy sản, Việt Nam đã xây dựng thành công phương pháp xác định Vibrio parahaemolyticus bằng kỹ thuật lai Dot blot cho phép phát hiện trực tiếp sự có mặt của gien chỉ thị trong hỗn hợp ADN vi khuẩn. Thao tác phát hiện đơn giản, có thể xác định hàng loạt mẫu trong cùng một thời gian; thích hợp trong nghiên cứu điều tra kiểm soát môi trường, kiểm nghiệm nhiễm khuẩn thực phẩm. Đã hoàn thành trình tự Thermostable direct hemolysin (TDH) gene của Vibrio parahaemolyticus (based 1 to 426) phân lập tại Việt Nam. Đăng ký tại ngân hàng dữ liệu gene quốc tế (Gene bank) số đăng ký AY 195739.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có hình dấu phẩy hơi cong và ngắn. Không bắt màu Gram (Gram -) và có lông nên rất di động. Chúng lên men D-mannitol, maltose, L.arabinose, không lên men saccharose, oxydase dương tính và kỵ khí tùy tiện.
- V.parahaemolyticus là vi khuẩn ưa mặn (halophile) nên chúng mọc tốt ở môi trường kiềm và mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển như cá, tôm, sò, ốc..., thường sống ở các cửa sông và ven biển hầu hết các vùng trên thế giới
- V.parahaemolyticus bị chết ở 650C sau 10 phút, chúng không phát triển được ở nhiệt độ dưới 150C. Nhiệt độ thích hợp cho sự nhân lên là 370C
- Vi khuẩn có 3 loại kháng nguyên :
+ Kháng nguyên thân 0: chịu nhiệt, được chia thành 12 týp.
+ Kháng nguyên lông H.
+ Kháng nguyên vỏ K : không chịu nhiệt, được chia thành 59 týp.
- Khả năng gây bệnh: V.parahaemolyticus là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn phải thức ăn hải sản chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản
3. Đặc điểm dịch tễ học
- Năm 1950, lần đầu tiên trên thế giới, Fujuco (Nhật Bản) đã phát hiện ra một chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy do ăn cá biển nhưng chưa xếp vào loại vi khuẩn gì.
- Đến năm 1965, Sakazuki (Nhật Bản) mới xác định được vi khuẩn này là Vibrio parahaemolyticus.
- Bệnh thường xảy ra vào những tháng nóng.
- Ở nước ta trước đây đã có báo cáo phân lập được vi khuẩn này từ phân một bệnh nhân tiêu chảy do ăn cá biển nấu chưa chín và từ một số hải sản như tôm, cua, sò... nhưng ít được chú ý. Từ sau vụ ngộ độc thức ăn tập thể do ăn tôm rang bị nhiễm Vibrio parahaemolylicus ở Hải Phòng năm 1983, vấn đề này mới được quan tâm hơn.
- Năm 2002, một nghiên cứu tiến cứu (prospective study) do Viện Pasteur Nha trang thực hiện ở tỉnh Khánh Hòa trong thời gian 1/1995 - 9/2001 ghi nhận 548 trường hợp tiêu chảy, khi xét nghiệm có 53% dương tính với V. parahemolyticus.
- Vibrio Parahaemolyticus là một trong 3 chủng vi khuẩn gây Bệnh tiêu chảy (Salmonella, Shigella) hiện được xem là mối đe dọa, gánh nặng bệnh tật đến sức khỏe người Việt Nam. Đây là một trong những bệnh dịch có nguy cơ nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Trong một cuộc điều tra tổng quát về sự tăng vọt, những trường hợp nhiễm vi khuẩn này từ 1996 -2000, các nhà điều tra đã tìm ra 3 týp huyết thanh có khả năng gây dịch: Năm 1996, chủng 03.K6 đã xuất hiện ở 8 quốc gia. Sự lây lan nhanh chóng và rộng khắp của chúng gây dịch V.parahaemolyticus đầu tiên và những quốc gia bị ảnh hưởng gồm Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ. Hai chủng khác: 04.K68 và 01.K không định được týp (KUT) có liên quan và được thừa nhận là bắt nguồn từ dòng vô tính 03.K6 gây dịch. Do đó, các nhà khoa học tin chắc dòng vô tính này chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của các týp huyết thanh gây dịch với các kháng nguyên xôma và vỏ khác nhau. Họ cũng gợi ý rằng các chủng liên quan dịch tễ với nhau có thể có liên quan về mặt di truyền... Theo các nhà khoa học Ấn Độ và Nhật Bản, cần nghiên cứu thêm về nguồn gốc bất ngờ của dòng Vibrio parahaemolyticus gây dịch.
- Mùa hè năm 2004, một số du khách đến vùng biển ở Alaska (Mỹ) đã bị tiêu chảy và nôn tháo sau khi ăn sò nướng. Các nhà khoa học tìm hiểu và nhận thấy vùng này trước đây rất lạnh, người ta có thể yên tâm ăn món sò nướng đặc sản vùng này mà không sợ đau bụng. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nhiệt độ tăng lên đã dẫn đến quá trình phân phối lại bản đồ các loại vi khuẩn, sâu bọ và cây cối. Nhiệt độ nước biển ở Alaska đã vượt ngưỡng 150C và lần đầu tiên họ phát hiện Vibrio parahaemolyticus, một loài vi khuẩn khá phổ biến ở vùng vịnh Mexico ấm áp, trong món sò ở Alaska.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: V. heamolyticus tồn tại trong các động vật hải sản như cá, cua, tôm, sò, ốc... Người ta cũng đã phân lập được chúng trong cát, bùn và nước biển.
- Thời gian ủ bệnh: ngắn từ 2 - 6 giờ, có thể đến 30 giờ
- Thời kỳ lây truyền: Không lây truyền từ người sang người.
5. Phương thức lây truyền: Lây truyền qua đường ăn uống. Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn thức ăn hải sản hoặc nước biển có chứa vi khuẩn chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản. Để có thể gây bệnh cần có thời gian với lượng vi khuẩn lớn hơn 106 và nhiệt độ thường.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người đều có thể nhiễm bệnh
7. Các biện pháp phòng, chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng
- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe:
- Phòng bệnh chung bằng cách giáo dục, tuyên truyền cho mọi người biết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chú ý lựa chọn, chế biến, bảo quản, nấu kỹ thức ăn hải sản, không ăn sống hải sản.
- Vệ sinh phòng bệnh:
+ Tốt nhất là nên dùng thực phẩm còn tươi, cá và các loại hải sản mua về phải chế biến và đun nấu ngay. Đặc biệt đối với cá cần phải làm ngay vì ruột cá rất chóng phân hủy, vi khuẩn từ ruột cá lan ra thịt cá rất nhanh. Mặt khác, người tiêu dùng nên mua các loại hải sản ở những cửa hàng lớn bảo đảm uy tín và đã được kiểm duyệt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Thực hiện ăn chín, uống sôi vì vi khuẩn bị diệt rất nhanh bởi nhiệt độ cao (700C trong 15 phút ; 800C trong vài phút)
+ Chưa có vắc xin phòng bệnh.
7.2. Biện pháp chống dịch
- Tổ chức:
- Chuyên môn:
+ Tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân. Tổng hợp nhanh các ca bệnh và báo cáo xác định thời gian, địa điểm, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh, hiệu quả của các biện pháp điều trị...
+ Tổ chức thu giữ thức ăn, thực phẩm, nguồn nước nghi ngờ bảo quản lạnh và gửi đến phòng xét nghiệm để tìm tác nhân gây bệnh. Tiến hành điều tra dịch tễ học
+ Tổ chức hủy bỏ thức ăn, thực phẩm nghi nhiễm khuẩn, sát trùng, tẩy uế, vệ sinh môi trường
+ Báo cáo tổng kết công tác phòng chống dịch để rút bài học kinh nghiệm và hướng xử trí, phòng ngừa sau này.
7.3. Nguyên tắc điều trị
- Bù nước bằng đường uống và truyền dịch : Uống dung dịch ORS, nước cháo muối. Truyền dịch và các chất điện giải: Ringer lactat, Bicacbonat natri.
- Kháng sinh:
+ Vai trò của kháng sinh trong điều trị ngộ độc thức ăn do V. Parahaemolyticus dạng tả rất giới hạn.
+ Một số trường hợp tiêu chảy dạng Lỵ trực khuẩn cần dùng kháng sinh như: Tetracycline, chloramphenicol , bactrim, cefaloxin... Tốt nhất là theo kháng sinh đồ.http://www.thuvienkhoahoc.com/tusach/H%C3%ACnh:S.suis.jpg
- Các loại thuốc ngăn cản nhu động ruột như Opizoic, Smecta... có rất ít tác dụng hoặc không có tác dụng trong điều trị tiêu chảy và thậm chí chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ ngộ độc do nguyên nhân xâm lấn niêm mạc ruột
- Chú ý chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới : Không
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.