BỆNH VIÊM NÃO VI RÚT
(Encephalitis viruso)
Bệnh viêm não vi rút có 2 loại là viêm não vi rút nguyên phát và viêm não vi rút thứ phát. Các bệnh viêm não vi rút thứ phát là biến chứng của các vi rút gây bệnh sởi, quai bị, cúm, vi rút đường ruột, vi rút herpes simplex v.v... Trong bài này chỉ chuyên về bệnh viêm não vi rút nguyên phát và tác nhân gây bệnh của nó là những vi rút có ổ chứa thiên nhiên. Đây là bệnh viêm não vi rút do côn trùng tiết túc truyền (Encephalitis arthropod-borne viral) và được chia thành bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền (encephalitis mosquito-borne viral) và viêm não vi rút do ve truyền (encephalitis tick-borne viral).
I. BỆNH VIÊM NÃO VI RÚT DO MUỖI TRUYỀN. (ICD-10 A83: Mosquito – Borne Viral encephalitis) A83.0; A83.1; A83.2; A83.3; A83.4; A83.5; A83.6; A83.8
1. Đặc điểm của bệnh.
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
Bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền bao gồm một nhóm vi rút gây bệnh được xâm nhập trong thời gian ngắn vào những phần của não, tuỷ sống và màng não, gây viêm cấp ở đó. Các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh này tương tự nhau nhưng mức độ nghiêm trọng và sự tiến triển của mỗi bệnh có khác nhau. Phần lớn bị nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng. Trường hợp mắc bệnh nhẹ, thường có sốt, đau đầu hoặc biểu hiện viêm màng não vô khuẩn. Trường hợp nặng, có biểu hiện cấp tính lúc khởi phát, sốt cao, đau đầu, có dấu hiệu màng não, sững sờ, mất định hướng, hôn mê, run, đôi khi co giật (nhất là ở trẻ nhỏ) và liệt cứng. Tỷ lệ chết từ 0,3% - 60%, trong đó tỷ lệ cao nhất do mắc bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm não Murray Valley (MVE) và viêm não tuỷ ngựa miền đông (EEE). Tỷ lệ mắc bệnh để lại di chứng thần kinh của bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền xảy ra với tần số khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân và tác nhân gây bệnh. Bệnh để lại di chứng thần kinh nặng nhất ở trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản (JE), bệnh EEE và bệnh viêm não tuỷ ngựa miền tây (WEE).
Nhóm vi rút viêm não do muỗi truyền thường gặp là vi rút JE, vi rút EEE, vi rút WEE, vi rút viêm não Saint Louis (SLE), vi rút MVE, vi rút viêm não Lacrosse (LE), vi rút viêm não California (CE), vi rút viêm não Rocio (RE), vi rút viêm não Jamestown Canyon (JCE) và vi rút snowshoe hare (SSHE).
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Sốt cao 38-40⁰C. Đau đầu, buồn nôn, nôn. Co giật, cổ cứng.
+ Rối loạn ý thức, li bì, trạng thái sững sờ, mất định hướng, có cử động bất thường (run giật, múa vờn), hôn mê, nói chậm hoặc không nói được, liệt cứng.
+ Có ứ đọng nhiều đờm dãi.
+ Xét nghiệm máu thường thấy bạch cầu không tăng hoặc tăng ít.
+ Nước não tuỷ trong, tăng tế bào bạch cầu và chủ yếu là tế bào lympho.
- Ca bệnh xác định:
+ Xét nghiệm huyết thanh bằng MAC- ELISA có kháng thể IgM đặc hiệu (+).
+ Phân lập vi rút viêm não (+) từ nước não tuỷ hoặc máu bệnh nhân trong thời kỳ cấp tính có sốt cao.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
- Chẩn đoán phân biệt loại trừ các bệnh viêm não do vi rút thứ phát. Một số trường hợp cần lưu ý phân biệt với bệnh u não, áp xe não ở người lớn.
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm não vi rút do ve truyền.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm:
+ Nước não tuỷ và/hoặc huyết thanh bệnh nhân từ 3 – 4 ngày sau khi bắt đầu mắc bệnh dùng để phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu.
+ Máu thời kỳ cấp tính đang có sốt cao và/hoặc nước não tuỷ, não tử thi dùng để phân lập vi rút.
- Phương pháp xét nghiệm;
+ Xét nghiệm huyết thanh bằng phương pháp MAC-ELISA.
+ Phân lập vi rút trên não chuột ổ hoặc trên nuôi tế bào.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân
+ Nhóm Arbovirus có hơn 550 vi rút khác nhau, được chia thành 5 họ: Togaviridae, Flaviridae, Bunyaviridae, Reoviridae, Rhabdoviridae. Vi rút gây viêm não do muỗi truyền và do ve truyền phần lớn thuộc họ Togaviridae. Mỗi vi rút gay viêm não có tên riêng: Vi rút viêm não Nhật Bản (JEV), vi rút viêm não ngựa miền Đông (EEEV), vi rút viêm não ngựa miền Tây (WEEV), vi rút viêm não California (CEV),...
+ Bệnh viêm não nguyên phát ở Việt Nam do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên
- Hình thái: Vi rút viêm não Nhật Bản có hình khối đa diện, đường kính khoảng 40 nm thuộc loài vi rút nhỏ nhất. Vật liệu di truyền ở lõi là ARN. Phần capsid bao quanh ngoài chứa glycoprotein.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Vi rút viêm não Nhật Bản tồn tại trên một số loài chim, khỉ, chuột... và trên muỗi. Muỗi vừa là ổ chứa, vừa là môi giới truyền vi rút sang người. Muỗi truyền viêm não Nhật Bản ở Việt Nam chủ yếu là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus
3. Đặc điểm dịch tễ học.
- Các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền được phân bố rộng rãi trên thế giới. Mỗi bệnh như được định hình theo vùng địa lý đặc trưng, có liên quan đến đặc điểm sinh lý và sinh thái học của muỗi vectơ truyền bệnh. Bệnh EEE lưu hành ở phía đông và phía bắc thuộc trung Mỹ, vùng giáp ranh Canada, rải rác ở khu vực trung, nam Mỹ và các đảo vùng Caribbe. Bệnh WEE lưu hành tại miền tây, trung Hoa Kỳ, Canada và một phần của nam Mỹ. Bệnh JE lưu hành tại các đảo phía tây Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Philippin, ở nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan và Đông Á từ Triều Tiên đến Indonesia, Ấn Độ. Bệnh viêm não Kunjin, bệnh MVE lưu hành một phần lãnh thổ Australia và Papua New Guinea. Bệnh SLE lưu hành ở Hoa Kỳ, Canada, trung Mỹ và Brazil. Bệnh RE ở Brazil. Bệnh LE lưu hành ở Hoa Kỳ từ Minnesota, đông Texas đến New York và Georgia. Bệnh SSHE lưu hành ở Canada, Trung Quốc và Liên bang Nga. Các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút này thường xảy ra ở các vĩ tuyến ôn hoà trong mùa hè, đầu mùa thu; thường được giới hạn ở các vùng và xuất hiện nhiều trong những năm nóng nực với nhiệt độ cao, có muỗi phát triển nhiều.
- Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, bệnh JE thường xuất hiện tản phát hàng năm, có tính mùa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, tần số mắc cao nhất vào tháng 6. Có năm xảy ra dịch lớn như năm 1985. Kết quả điều tra dịch tễ huyết thanh học trên quần thể lợn và người cho thấy vi rút JE được phân bố rộng rãi ở mọi nơi nhưng bệnh nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng và trung du Bắc bộ với tỷ lệ mắc hàng năm dao động từ 5 - 7/100.000 dân trong những năm 80 và mấy năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đây là thời kỳ chưa sử dụng vắc xin JE rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Từ năm 1993, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin JE đạt hiệu lực và độ an toàn tương đương với vắc xin của Nhật Bản. Vắc xin này đã được tiêm ở những vùng nguy cơ cao nhưng phải trả tiền nên tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Từ năm 1997, vắc xin JE được đưa vào dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi tại các huyện nguy cơ cao. Đến nay, do được tiêm vắc xin JE cho nhóm tuổi nguy cơ cao, nên tỷ lệ mắc bệnh JE ở những nơi này đã có xu hướng giảm dần. Các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền khác ở Việt Nam vẫn chưa được điều tra, nghiên cứu.
4. Nguồn truyền nhiễm.
- Ổ chứa. Bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền đều có ổ chứa thiên nhiên trong súc vật hoang dã như các loài chim, gặm nhấm, dơi, bò sát, loài lưỡng cư hoặc các vi rút gây bệnh này tồn tại trong các loài muỗi truyền bệnh đặc hiệu của vi rút. Có nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi rút gây bệnh viêm não còn tồn tại qua đông trong trứng và/hoặc ấu trùng của muỗi.
- Thời gian ủ bệnh thường từ 5 - 15 ngày
- Thời kỳ lây truyền: Bệnh không lây truyền từ người sang người mà phải qua muỗi vectơ. Ở người mắc bệnh trong thời kỳ khởi phát cũng không phát hiện thấy vi rút trong máu. Chim bị nhiễm vi rút huyết kéo dài từ 2 - 5 ngày và có thể lâu hơn ở loài dơi, bò sát, lưỡng cư và có thể bị gián đoạn do ngủ đông. Muỗi bị nhiễm vi rút sau khi hút máu có thể truyền bệnh suốt đời và có thể truyền vi rút sang thế hệ sau qua trứng. Bệnh JE ở người và bệnh viêm não ở ngựa (EEE và WEE) trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết (viremia) có hiệu giá vi rút thấp và thời gian nhiễm vi rút ngắn nên không đủ lây nhiễm vi rút sang muỗi vectơ. Do vậy, người và ngựa không phải là nguồn lây vi rút viêm não sang muỗi vectơ.
5. Phương thức lây truyền.
Phương thức lây truyền bệnh viêm não vi rút là qua muỗi vectơ bị nhiễm vi rút truyền. Mỗi bệnh được xác định có một vài muỗi vectơ chủ yếu truyền đặc hiệu như:
- Bệnh EEE do Culiseta melanura truyền từ chim sang chim, Loài Aedes và Coquilletidia truyền từ chim hoặc động vật khác sang người.
- Bệnh WEE do Culex (C.) tarsalis …
- Bệnh JE do C. tritaeniorhynchus, phức hệ C. vishnui, C. gelidus.
- Bệnh MVE do C. annulirostris …
- Bệnh SLE do C. tarsalis, phức hệ C. pipiens, C. quinquefasciatus v.v…
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Trẻ em và người già thường có tính cảm nhiễm cao với bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền. Phần lớn ở mọi lứa tuổi bị mắc bệnh thể nhẹ hoặc nhiễm bệnh thể ẩn, nhất là nơi có bệnh lưu hành địa phương nhưng vẫn để lại miễn dịch đặc hiệu. Như vậy, ở những nơi này, người lớn thường có miễn dịch với vi rút gây bệnh và phần đông trẻ nhỏ thuộc vào số cảm thụ mới, chưa có miễn dịch và dễ bị mắc bệnh. Ngoài sự thay đổi theo tuổi, tính cảm nhiễm còn thay đổi tuỳ theo tác nhân gây bệnh như: Bệnh JE, LE thường gặp ở trẻ em và bệnh SLE có mức độ nghiêm trọng tăng theo tuổi.
7. Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cần cung cấp cho nhân dân biết những thông tin về bệnh viêm não vi rút, ổ chứa vi rút và muỗi vectơ truyền bệnh để nhân dân có thể phát hiện sớm bệnh, tự thực hiện các biện pháp phòng tránh và diệt muỗi vectơ truyền bệnh.
- Vệ sinh phòng bệnh.
+ Nhà, vườn phải quang đãng, sạch sẽ, không có đồ phế thải chứa nước ứ đọng để loại trừ muỗi, bọ gậy và các côn trùng khác.
+ Rời chuồng súc vật ra xa nhà ở, thường xuyên vệ sinh chuồng súc vật, hun khói hoặc phun thuốc xua, diệt muỗi.
+ Dùng màn kim loại chống muỗi ở các cửa sổ, cửa ra vào và nằm màn khi ngủ.
+ Nếu có nhiều muỗi hoặc khi cần thiết có thể dùng hoá chất diệt muỗi và diệt bọ gậy.
+ Nơi có bệnh lưu hành địa phương như bệnh JE, có thể gây miễn dịch cho người và/hoặc súc vật nuôi (như lợn đối với bệnh JE) là ổ chứa của vi rút truyền bệnh.
+ Tiêm vắc xin phòng bệnh đặc hiệu cho người đi du lịch đến vùng có bệnh viêm não vi rút lưu hành địa phương và tiêm cho người làm việc trong phòng thí nghiệm có liên quan đến vi rút gây bệnh và muỗi vectơ truyền bệnh này.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức:
+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ v.v...
+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
+ Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.
- Chuyên môn:
+ Bệnh nhân mắc bệnh viêm não vi rút, như bệnh JE, không cần phải cách ly, bởi vì người bệnh không phải là nguồn truyền vi rút cho muỗi vectơ. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh phải được theo dõi và điều trị trong bệnh viện, vì đây là bệnh nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp.
+ Bệnh này không có người lành mang vi rút, không phải giám sát và theo dõi người tiếp xúc.
+ Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tiêm vắc xin phòng bệnh đặc hiệu cho những người làm công tác điều tra, nghiên cứu chống dịch viêm não vi rút do muỗi truyền tại nơi có dịch hoặc nơi có bệnh lưu hành địa phương. Vắc xin viêm não đang dùng ở Việt Nam là vắc xin chết, được sản xuất trên não chuột nhắt. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ tốt.
+ Xử lý môi trường: Không cần sát khuẩn, tẩy uế các chất thải của bệnh nhân. Tuy nhiên, cần phải vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy và diệt muỗi trưởng thành; nếu cần thiết phải phun hoá chất diệt muỗi và bọ gậy.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền. Bởi vậy, cần phát hiện bệnh sớm và điều trị hồi sức cấp cứu sớm trong giai đoạn cấp tính để hạn chế bệnh tiến triển nặng, giảm biến chứng và giảm tử vong. Nguyên tắc điều trị bệnh chung cho bệnh nhân nhỏ tuổi và người lớn là :
- Chống phù não và giảm phản ứng vận mạch.
- Trợ tim mạch, trợ hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật.
- Chống nhiễm khuẩn.
- Thăng bằng nước và các chất điện giải.
- Trợ lực cho cơ thể người bệnh, điều trị kịp thời các triệu chứng sốt cao, co giật, rối loạn tâm thần.
- Sớm phục hồi chức năng về vận động và về tâm lý.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới. Không có quy định.
II. BỆNH VIÊM NÃO VI RÚT DO VE TRUYỀN
1. Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
Các bệnh viêm não vi rút do ve truyền về mặt lâm sàng cũng giống như các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền trừ một vài tác nhân gây bệnh như sau:
Bệnh viêm não vi rút Viễn Đông (FE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não xuân-hạ Nga), thường có cơn động kinh cục bộ, liệt mềm và vài di chứng khác.
Bệnh viêm não vi rút Trung Âu (CEE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não - màng não hai pha) là một bệnh nhẹ hơn nhưng tiến triển kéo dài hơn khoảng 3 tuần. Giai đoạn đầu có sốt với triệu chứng không liên quan đến thần kinh trung ương; giai đoạn hai có sốt cùng với triệu chứng viêm não – màng não kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi hồi phục. Bệnh này ít tử vong và ít di chứng nặng so với bệnh FE.
Bệnh viêm não vi rút Powassan (PE) cũng có bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhưng tỷ lệ tử vong khoảng 10% và khoảng 50% số bệnh nhân khỏi bệnh có di chứng thần kinh. Bệnh Louping ở người cũng diễn biến kiểu hai pha và bệnh tương đối nhẹ.
- Ca bệnh lâm sàng. Nói chung cũng tương tự như bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền như:
+ Sốt cao 38-40⁰C. Đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, cổ cứng.
+ Rối loạn ý thức, li bì, trạng thái sững sờ, mất định hướng, có cử động bất thường (run giật, múa vờn), hôn mê, nói chậm hoặc không nói được, liệt cứng hoặc liệt mềm.
+ Có ứ đọng nhiều đờm dãi.
+ Xét nghiệm máu thường bạch cầu không tăng hoặc tăng ít.
+ Nước não tuỷ trong, tăng tế bào bạch cầu và chủ yếu là tế bào limphô.
- Ca bệnh xác định.
+ Xét nghiệm huyết thanh hoặc nước não tuỷ (+) bằng kỹ thuật MAC- ELISA để phát hiện IgM đặc hiệu.
+ Phân lập vi rút viêm não (+) từ nước não tuỷ hoặc máu bệnh nhân trong thời kỳ cấp tính có sốt cao.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
- Chẩn đoán phân biệt loại trừ các bệnh viêm não do vi rút thứ phát. Một số trường hợp, cần lưu ý phân biệt với bệnh u não, áp xe não ở người lớn.
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm:
+ Nước não tuỷ và/hoặc huyết thanh từ 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu mắc bệnh.
+ Máu thời kỳ cấp tính có sốt cao và/hoặc nước não tuỷ, não tử thi.
- Phương pháp xét nghiệm;
+ Phương pháp MAC-ELISA.
+ Phân lập vi rút trên não chuột ổ hoặc trên nuôi tế bào.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân là một phức hệ trong nhóm Flaviviruses .
- Hình thái: Các vi rút trong nhóm Flavivius có dạng hình cầu, bộ gen của vi rút là RNA chuỗi đơn (+). Hạt vi rút có vỏ bọc glycoprotein với kích thước từ 40- 50 nm. Giữa các vi rút gây bệnh này có sự khác biệt nhỏ về tính kháng nguyên và những vi rút gây bệnh này đều có quan hệ chặt chẽ với nhau.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài. Các vi rút này không tồn tại được ở ngoại cảnh và chỉ có thể gây bệnh cho người qua vectơ là các loài ve.
3. Đặc điểm dịch tễ học.
- Bệnh viêm não do ve truyền được phân bố lưu hành ở nhiều nơi thuộc Liên Xô cũ, một số vùng thuộc Đông Âu, Trung Âu, Bắc Âu và Anh. Bệnh FE lưu hành chủ yếu ở Viễn Đông thuộc Liên Xô cũ, bệnh CEE chủ yếu ở châu Âu, bệnh Louping chủ yếu ở Anh và Ireland, mới đây thấy xuất hiện ở Tây Âu. Bệnh viêm não vi rút Powassan lưu hành tại Canada, Hoa Kỳ và Nga. Tỷ lệ mắc bệnh theo mùa và tuỳ thuộc vào mật độ ve vectơ như: Ixodes pesulcates ở Đông Á thường hoạt động trong mùa xuân và đầu hạ ; Ixodes ricinus ở châu Âu thường đốt vào đầu hạ và đầu thu; Ixodes cookei ở Hoa Kỳ, Canada thường đốt từ tháng 6 đến tháng 9. Bệnh viêm não do ve truyền chưa được điều tra, nghiên cứu ở Việt Nam.
- Những nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao, phần nhiều là nông thôn và rừng núi do con người hoạt động tiếp xúc mật thiết với ve nhiễm vi rút. Bệnh viêm não do ve truyền là bệnh dịch địa phương. Đã có những vụ dịch CEE địa phương do tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa từ dê, cừu chưa được tiệt khuẩn, do đó bệnh còn có tên gọi là "sốt sữa 2 pha". Lứa tuổi mắc bệnh ở mỗi vùng có khác nhau vì tuỳ thuộc vào tuổi của người bị phơi nhiễm với ve hoặc tuổi người tiêu thụ sữa động vật bị nhiễm. Một số người mắc bệnh bị chết hoặc bị di chứng trầm trọng.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa : Ve và động vật có vú là ổ chứa vi rút gây bệnh như: cừu, hươu, nai là vật chủ tiên phát của bệnh Louping; chim, loài gặm nhấm và các loài có vú nhỏ khác là ổ chứa vi rút của bệnh FE, CEE và bệnh Powassan.
- Thời gian ủ bệnh thông thường từ 7 – 14 ngày.
- Thời kỳ lây truyền : Người chỉ bị mắc bệnh do ve bị nhiễm vi rút đốt. Ve bị nhiễm vi rút do hút máu động vật có xương sống là ổ chứa vi rút. Thời gian nhiễm vi rút huyết trong súc vật có thể kéo dài nhiều ngày, ở người khoảng từ 7 đến 10 ngày. Sau khi ve hút máu bị nhiễm vi rút sẽ truyền bệnh suốt đời và có khả năng truyền vi rút sang thế hệ sau qua trứng.
5. Phương thức lây truyền. Bệnh viêm não vi rút do ve không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà phải qua vectơ trung gian là ve. Một số vectơ chính truyền bệnh là : Ixodes persulcatus ở miền đông Liên bang Nga; Ixodes ricinus ở miền tây và các nơi khác của châu Âu, vectơ này cũng truyền bệnh Louping của cừu ở Scotland; Ixodes cookei ở miền đông Canada, Hoa Kỳ. Ấu trùng ve bị nhiễm vi rút do hút máu súc vật nhiễm như chim, loài gậm nhấm và các loài có vú khác.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch. Mọi người đều có cảm nhiễm với bệnh viêm não vi rút do ve truyền. Sau khi bị mắc bệnh, kể cả những trường hợp nhiễm vi rút thể ẩn đều được miễn dịch.
7. Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cần cung cấp cho nhân dân những thông tin về bệnh viêm não vi rút do ve truyền để nhân dân biết phát hiện bệnh và phòng chống dịch.
- Vệ sinh phòng bệnh.
Nhà, vườn phải quang đãng, sạch sẽ.
Rời chuồng súc vật ra xa nhà ở, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, có thể tiêm vắc xin vi rút bất hoạt cho nhân dân, cho người làm việc trong phòng thí nghiệm có liên quan đến vi rút này. Nên tiêm vắc xin và/hoặc bôi thuốc xua côn trùng cho người đi du lịch hoặc đến làm việc tại vùng có bệnh lưu hành.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức:
+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Công an, Nông - Lâm nghiệp, Hội Chữ thập đỏ v.v...
+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
+ Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.
- Chuyên môn:
+ Bệnh nhân mắc bệnh viêm não vi rút không cần phải cách ly. Tuy nhiên, cần theo dõi và điều trị bệnh nhân sớm trong bệnh viện.
+ Bệnh này không có người lành mang vi rút, không phải giám sát và theo dõi người tiếp xúc.
+ Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tiêm vắc xin vi rút bất hoạt cho những người điều tra, nghiên cứu chống dịch viêm não vi rút do ve truyền.
+ Xử lý môi trường: Không cần sát khuẩn, tẩy uế các chất thải của bệnh nhân. Tuy nhiên, cần vệ sinh môi trường, nếu cần thiết phải phun hoá chất diệt côn trùng.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh viêm não vi rút do ve truyền. Bởi vậy, cần thiết phát hiện bệnh sớm và điều trị hồi sức cấp cứu sớm trong giai đoạn cấp tính để chống biến chứng, di chứng và giảm tử vong. Nguyên tắc điều trị bệnh chung cho bệnh nhân là :
- Chống phù não và giảm phản ứng vận mạch.
- Trợ tim mạch, trợ hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật.
- Chống nhiễm khuẩn.
- Thăng bằng nước và các chất điện giải.
- Trợ lực cho cơ thể người bệnh, điều trị kịp thời các triệu chứng sốt cao, co giật, rối loạn tâm thần.
- Sớm phục hồi chức năng về vận động và về tâm lý.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới. Không có quy định.
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.