Bệnh tiêu chảy do virus Rota

Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

BỆNH TIÊU CHẢY DO VI RÚT RÔ – TA
(Diarrhea Rotavirus)
1. Đặc điểm của bệnh:
Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng:
+ Nôn ói và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.
+ Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.
+ Sốt vừa phải
+ Đau bụng
+ Có thể ho và chảy nước mũi
Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm vi rút Rota rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.
- Ca bệnh xác định: là những ca bệnh có xét nghiệm dương tính với vi rút Rota.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: như tả, thương hàn, E.Coli và một số bệnh tiêu chảy khác.
- Phân lỏng, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn.
1.3. Xét nghiệm: Có 3 nhóm chính:
1.3.1. Phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện vi rút hoặc kháng nguyên
- Loại mẫu bệnh phẩm: lấy bệnh phẩm phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân.
- Phương pháp xét nghiệm: Dùng kỹ thuật kính hiển vi điện tử, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, miễn dịch phóng xạ, ngưng kết hồng cầu thụ động, ngưng kết hạt latex, điện di, ELISA.
1.3.2. Phương pháp chẩn đoán phát hiện ARN của vi rút :
- Loại mẫu bệnh phẩm: lấy bệnh phẩm phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân.
- Phương phát xét nghiệm: Dùng kỹ thuật PCR
1.3.3. Phương pháp chẩn đoán huyết thanh học :
- Loại mẫu bệnh phẩm: Lấy máu tĩnh mạch bệnh nhân và chắt lấy huyết thanh.
- Phương pháp xét nghiệm: Chỉ sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu vì tỷ lệ nhiễm vi rút ở quần thể dân cư khá cao nên chẩn đoán huyết thanh xác định kháng thể kháng vi rút Rota ít có ý nghĩa chẩn đoán. Dùng các kỹ thuật khuếch tán miễn dịch trên thạch, trung hòa trên tế bào thận khỉ bào thai, ức chế ngưng kết hồng cầu thụ động, miễn dịch phóng xạ, phát hiện IgM xuất hiện sớm đặc hiệu, miễn dịch phóng xạ hoặc phản ứng kết hợp bổ thể để tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.
Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota là bệnh cấp tính, nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do mất nước và điện giải. Vì vậy, chỉ có phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện vi rút từ bệnh phẩm là có giá trị nhất đối với bệnh nhân.
2. Tác nhân gây bệnh :
- Tên tác nhân: Rotavirus. Năm 1972, Kapikian và cộng sự lần đầu tiên phát hiện ra một vi rút có liên quan đến bệnh ỉa chảy và đặt tên là Norwalk. Đến năm 1973, Bishop quan sát dưới kính hiển vi điện tử vi rút giống như Reovirut và đặt tên là vi rút Rota. Các nghiên cứu sau này đã xác định vi rút Rota thuộc họ Reoviridae. Baoming (1995) chia vi rút Rota thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành. Trên thế giới, ghi nhận chủ yếu là 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4; ở Việt Nam, chủng G1P8 chiếm đa số.
- Hình thái : Vi rút dạng hình khối cầu 20 mặt, đường kính trung bình 65-70 nm. Acid nucleic là ARN hai sợi, nằm ở trung tâm hạt vi rút, đường kính 38 nm và được bao bọc bởi hai sợi capsid. Capsid gồm 3 lớp: lớp ngoài, lớp trong và lớp lõi. 60 cái gai dài 120 A0 trên bề mặt nhẵn nhụi của lớp ngoài. Các capsome của lớp ngoài tạo nên hình vòng. Do vậy, các vi rút này mới có tên Rota (Rota = bánh xe)
- Khả năng tồn tại trong môi trường: Vi rút Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại vi rút này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Vi rút bị bất hoạt nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA (ethylendiamintetracetic acid), ở nhiệt độ cao trên 450C. Chúng bị bất hoạt ở pH < 3 hoặc pH > 10, nhưng có sức đề kháng tốt đối với Clo và Ete.
3. Đặc điểm dịch tễ học
- Phân bố: ở các nước có khí hậu ôn đới, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota xảy ra tập trung theo mùa, nhiều nhất là mùa đông. Ở các nước nhiệt đới, bệnh xảy ra rải rác quanh năm.
- Tại Việt Nam: mãi đến năm 1980 mới nghiên cứu và xác định vi rút Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng ba và tháng chín. Tại Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm vi rút Rota. Hàng năm, số trẻ chết do vi rút Rota chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.
- Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới: bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: người là ổ chứa vi rút Rota duy nhất. Các loại vi rút Rota ở động vật như chó, mèo, ngựa... không gây bệnh ở người.
- Yếu tố truyền bệnh: là phân của bệnh nhân hoặc người lành mang vi rút Rota. Phân sẽ làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Ngoài ra, có thể gây ô nhiễm thực phẩm và các vật dụng khác
- Thời gian ủ bệnh: từ 1-7 ngày, trung bình 2-3 ngày kể từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể
- Thời kỳ lây truyền: Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi rút Rota được bắt đầu rất đột ngột. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7-8 ngày kể từ lúc bệnh bắt đầu.
5. Phương thức lây truyền: Vi rút Rota lây truyền qua đường phân - miệng, ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp. Trẻ em có thể nhiễm cả trước và sau khi bị ốm kèm theo tiêu chảy.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch:
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi ít bị bệnh vì có sẵn kháng thể do mẹ truyền cho, kháng thể trong huyết thanh cao ở thời kỳ sơ sinh, trẻ từ 3-6 tháng kháng thể giảm rồi tăng dần sau đó đạt cao điểm lúc 2 tuổi và duy trì trong nhiều năm.
- Tính miễn dịch đối với vi rút Rota xuất hiện phần lớn ở trẻ nhỏ sau khi mắc bệnh nhưng không bền vững nên bệnh vẫn có thể bị mắc lại.
7. Các biện pháp phòng chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ (vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân): Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm như không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.
- Vệ sinh phòng dịch: Sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến bệnh nhân. Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
+ Phòng bệnh chủ động: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Tháng 1/2006, Tổ chức Y tế Thế giới đã phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc xin Rota (RotaTeq của hãng Meck và Rotarix của hãng Glaxo Smith Kline)
+ RotaTeq là vắc xin sống giảm độc lực sử dụng 3 liều. Nó là vắc xin phối hợp giữa chủng Rota của người và bò chứa 5 kháng nguyên G1, G2, G3, G4 và P1.
+ Rotarix là vắc xin sống giảm độc lực sử dụng 2 liều, có nguồn gốc từ 1 chủng vi rút Rota người G1P8.
7.2. Biện pháp chống dịch
7.2.1.Tổ chức hệ thống giám sát dịch tễ và báo cáo:
- Giám sát trọng điểm: tại những điểm có nguy cơ như Nhà trẻ, Trường mẫu giáo, Trạm Y tế, Bệnh viện.
- Giám sát người bệnh và người lành mang mầm bệnh: ở các trường hợp có chẩn đoán xác định về lâm sàng, lấy mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định để làm xét nghiệm báo cáo.
- Xây dựng hệ thống báo cáo thường xuyên định kỳ theo tuyến từ cơ sở đến Quốc gia, từ Quốc gia đến khu vực và Tổ chức Y tế Thế giới
7.2.2. Chuyên môn:
- Thu dung cách ly, điều trị bệnh nhân: bệnh nhân được cách ly trong vòng 10-15 ngày để tránh lây lan. Trường hợp bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà nhưng phải đảm bảo việc điều trị và chăm sóc cách ly theo đúng quy định
- Xử lý môi trường: Khử trùng, tẩy uế môi trường và tiệt trùng vật dụng của người bệnh thường xuyên
7.3. Nguyên tắc điều trị:
Với tiêu chảy cấp do vi rút Rota điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Chú ý các điểm sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không gas), hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.
- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài (chứ không có tác dụng diệt vi rút, nguyên nhân gây nên tiêu chảy).
7.4. Kiểm dịch biên giới: Không có những biện pháp đặc biệt đối với các trường hợp tiêu chảy do vi rút Rota.
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.