Bệnh thủy đậu

Là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, sốt nhẹ, phát ban. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy.

BỆNH THỦY ĐẬU
(Varicelle)

1. Đặc điểm của bệnh.
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: bệnh nhiễm vi rút cấp tính, sốt nhẹ, phát ban. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy.
- Ca bệnh xác định: Là ca lâm sàng phân lập được vi rút trên nuôi cấy tế bào hoặc phát hiện kháng nguyên vi rút bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp hoặc phát hiện ADN bằng kỹ thuật PCR.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
- Đậu mùa: Triệu chứng toàn thân nặng, các nốt mọc dày có mủ, cùng lứa tuổi. Đậu mùa đã được thanh toán từ năm 1980.
- Chốc lở bọng nước (impertigo): Thường gây ra do Streptococcus beta hemotytic nhóm A. Thường xảy ra ở trẻ sau khi da bị trầy xước, tổn thương do ghẻ, chàm… rồi bị nhiễm trùng dẫn đến việc tạo ra bọng nước.
- Bọng nước do vi rút Herpes simplex: Thường gặp trên vùng da có sẵn bệnh như chàm, viêm da dị ứng.
- Bọng nước do Coxsackie nhóm A: Có thể gây bọng nước toàn thân nhưng chúng thường gây tổn thương da ở dạng phát ban hơn là bọng nước.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: huyết thanh, chất dịch bọng nước.
- Phương pháp xét nghiệm: Phân lập vi rút trên nuôi cấy tế bào. Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp tìm kháng nguyên vi rút. Xét nghiệm PCR tìm ADN của vi rút. Phát hiện tăng hiệu giá kháng thể trong huyết thanh. Những xét nghiệm này thường không yêu cầu, nhưng có ích trong những trường hợp khó chẩn đoán và trong nghiên cứu dịch tễ học.
2. Tác nhân gây bệnh
- Vi rút thủy đậu (Varicellavirus) thuộc họ Herpesviridae. Vi rút thủy đậu là tác nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn nên còn có tên là vi rút thủy đậu - zona (VZV).
- Vi rút có hình khối cầu, đường kính khoảng 250 nm. Phần lõi có ADN, phần capsid bọc ngoài bằng protein.
- Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài: Vi rút sống được vài ngày trong vảy thủy đậu tung vào không khí. Vi rút dễ bị chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng.
3. Đặc điểm dịch tễ học
- Bệnh xảy ra ở mọi nơi trên toàn thế giới. Hầu như mọi người đều bị nhiễm vi rút thủy đậu. Ở những vùng khí hậu ôn hòa, ít nhất 90% trẻ dưới 15 tuổi bị mắc thủy đậu và ít nhất 95% người lớn bị mắc bệnh. Bệnh thường gặp vào mùa đông và đầu xuân. Ở những nước nhiệt đới, người lớn hay bị mắc bệnh nhiều hơn. Zona hay xảy ra ở người trung niên.
- Cũng như các bệnh nhiễm khuẩn lây bằng đường không khí giọt nhỏ, mức độ mắc thủy đậu cao hơn trong các tháng lạnh. Dịch thủy đậu cũng có tính chất chu kỳ nhất định như dịch sởi.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: người
- Thời gian ủ bệnh: 2 đến 3 tuần, thông thường 14-16 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: Dài nhất là 5 ngày, nhưng thường là từ 1-2 ngày trước phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên. Sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Tỷ lệ tấn công thứ phát ở những người cảm nhiễm sống cùng trong gia đình là 70 - 90%. Bệnh nhân zona có thể lan truyền bệnh trong một tuần sau khi mọc ban. Cơ thể cảm nhiễm có thể bị mắc bệnh sau khi phơi nhiễm 10 - 21 ngày.
5. Phương thức lây truyền: Lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều cảm nhiễm với bệnh. Thông thường, người lớn bị mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh sẽ để lại miễn dịch lâu dài, ít khi mắc bệnh lần thứ hai ở những người suy giảm miễn dịch. Tái nhiễm thể ẩn thường hay xảy ra. Có thể nhiễm vi rút tiềm tàng và bệnh có thể tái phát sau đó nhiều năm như bệnh zona ở 15% người già và đôi khi gặp ở trẻ em. Trẻ sinh ra từ người mẹ không có miễn dịch và bệnh nhân bị bệnh bạch cầu có thể bị mắc bệnh nặng, kéo dài hoặc tử vong. Người lớn bị ung thư đặc biệt ung thư bạch huyết, bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay bị mắc bệnh zona nặng cả thể khư trú và lan tỏa.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm chủng cho những người trong gia đình, cho những người tiếp xúc gần.
- Tiêm chủng: Vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực
+ Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da.
+ Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Cách ly: Cách ly trẻ em mắc thủy đậu ở nhà trong 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với những người khác.
- Sát khuẩn tẩy uế đồ vật bị nhiễm dịch tiết từ mũi họng.
- Người tiếp xúc: Globulin miễn dịch thủy đậu - zona (VZIG) có tác dụng phòng bệnh cho người tiếp xúc nếu tiêm trong vòng 96 giờ sau khi phơi nhiễm.
7.3. Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị triệu chứng: Chống ngứa bằng thuốc chống ngứa tại chỗ hoặc toàn thân.
- Vệ sinh thân thể, thay quần áo hàng ngày. Bôi thuốc sát trùng, dùng kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm.
- Dùng thuốc kháng vi rút: Vidarabine (adenine arabinoside), acyclovir
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.