Bệnh sán lá phổi

Bệnh nhân ho ra máu, thường ra ít một lần với đờm, màu đỏ tươi hoặc màu rỉ sắt, cũng có khi ho ra nhiều máu tươi cùng một lúc, ho ra máu từng đợt trong năm và có khi kéo dài nhiều năm; thường không kèm theo sốt, không có tình trạng nhiễm trùng trừ trường hợp bội nhiễm.


BỆNH SÁN LÁ PHỔI
(Paragonimiasis)

1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: ho ra máu, thường ra ít một lần với đờm, màu đỏ tươi hoặc màu rỉ sắt, cũng có khi ho ra nhiều máu tươi cùng một lúc, ho ra máu từng đợt trong năm và có khi kéo dài nhiều năm; thường không kèm theo sốt, không có tình trạng nhiễm trùng trừ trường hợp bội nhiễm, cơ thể ít suy sụp khác với bệnh lao và các bệnh phổi khác. Có hội chứng 3 giảm ở đáy phổi, nếu sán ở trong màng phổi có thể gây tràn dịch màng phổi.
- Ca bệnh xác định: xét nghiệm có trứng sán lá phổi trong đờm hoặc trong phân (do bệnh nhân nuốt đờm) hoặc trong dịch màng phổi.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: lao phổi, viêm phổi do nguyên nhân khác.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: chủ yếu là đờm hoặc dịch màng phổi hoặc phân nếu bệnh nhân nuốt đờm.
- Phương pháp xét nghiệm: soi tươi tìm trứng trong đờm hoặc ly tâm lắng cặn đờm, dịch màng phổi để tìm trứng sán lá phổi.
2. Tác nhân gây bệnh:
- Tên tác nhân: Trong 40 loài sán lá phổi, có trên 10 loài gây bệnh chủ yếu là Paragonimus westermani; ở Việt Nam mới chỉ phát hiện thấy loài Paragonimus heterotremus ở miền Bắc.
- Hình thái: sán lá phổi dài 8-16 cm, chiều ngang 4-8 mm, dày 3-4 mm, có màu nâu đỏ và giống như hạt cà phê; vỏ sán có những gai nhọn, có hai hấp khẩu bụng và miệng, các ống ruột là những ống ngoằn ngoèo, lỗ sinh dục ở gần hấp khẩu bụng; trứng sán có nắp màu sẫm dài 80-100 mm.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: cũng như trứng sán lá gan, trứng sán lá phổi có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 700C sẽ làm hỏng trứng. Tuy nhiên, trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu trên cạn trứng sẽ hỏng và không phát triển được, khả năng tồn tại của sán lá phổi trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.
3. Đặc điểm dịch tễ học:
- Bệnh sán lá phổi được Kerbert tìm ra đầu tiên ở động vật là hổ. Năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sự lưu hành bệnh sán lá phổi ở 39 nước trên thế giới. Năm 1968, John Cross cho rằng có khoảng 194 triệu người trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi, đặc biệt là Trung Quốc, Lào và Triều Tiên.
- Ở Việt Nam, bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ít nhất ở 8 tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An; có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15 % (Sơn La). Loài sán lá phổi mới chỉ xác định ở Việt Nam là Paragonimus heterotremus.
4. Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa: ngoài vật chủ chính là người; các động vật và gia súc khác cũng là nguồn chứa mầm bệnh sán lá phổi như chó, mèo, hổ, báo, chó sói, chồn, chuột...
- Thời gian ủ bệnh: thời gian từ khi xâm nhập vào vật chủ đến khi có biểu hiện triệu chứng khoảng 3-4 tuần.
- Thời gian lây truyền: thời gian từ khi xâm nhập vào vật chủ đến khi sán có thể đẻ trứng và lây truyền khoảng 5-6 tuần.
5. Phương thức lây truyền: Người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống thì sau khi ăn ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Khi nhiễm sán lá phổi, khoảng 2 tuần sau nhiễm trong huyết thanh bệnh nhân đã xuất hiện kháng thể kháng sán lá phổi. Sán lá phổi trưởng thành ít đẻ trứng, khả năng phát hiện trứng trong đờm và dịch màng phổi rất khó khăn. Vì vậy, chẩn đoán bệnh sán lá phổi bằng kỹ thuật miễn dịch ELISA rất có giá trị.
7. Các biện pháp phòng chống dịch:
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: về nguyên nhân gây bệnh, tác hại của bệnh và cách phòng chống; không ăn sống cua, tôm dưới bất kỳ hình thức nào.
- Vệ sinh phòng bệnh: không khạc nhổ và phóng uế bừa bãi, xử lý đờm người mắc bệnh, ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức: nếu có dịch xảy ra phải thành lập ngay Ban chỉ đạo các cấp, khoanh vùng dập dịch.
- Chuyên môn: thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị mầm bệnh, kiểm soát các động vật và vật nuôi ở vùng có dịch; tuyên truyền người dân không ăn sống tôm, cua dưới bất kỳ hình thức nào. Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá phổi tại vùng lưu hành bệnh.
7.3. Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng bệnh nhân.
- Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần..., cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.
- Thuốc điều trị: thuốc lựa chọn là Praziquantel viên nén 600 mg liều 75 mg/kg/ngày ´ 2 ngày, mỗi ngày chia 3 lần uống cách nhau từ 4-6 giờ sau khi ăn no. Trong điều trị sán lá phổi, có thể ho ra nhiều máu một lúc cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối và cho thuốc cầm máu, giảm ho.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Kiểm tra động vật, vật nuôi nhập khẩu vào trong nước.
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.