Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu, hậu môn, họng do lậu cầu, với biểu hiện: mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt, có thể kèm theo đái dắt.
Lậu cầu (Neisseria gonorhoeae)
BỆNH LẬU
(Gonorrhoea)
1. Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu, hậu môn, họng do lậu cầu (Neisseria gonorhoeae) là một song cầu Gram (-), chỉ có vật chủ là người. Bệnh thường lây trực tiếp khi tiếp xúc tình dục.
+ Bệnh lậu ở nam (Viêm niệu đạo do lậu)
Thời gian ủ bệnh: 3-5 ngày.
Biểu hiện: mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt, có thể kèm theo đái dắt. Viêm toàn bộ niệu đạo: đái dắt, đái khó kèm theo sốt, mệt mỏi.
Biến chứng: Viêm mào tinh hoàn thường bị một bên và biểu hiện sưng nóng, đỏ đau kèm theo sốt. Nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh. Viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh.
+ Bệnh lậu ở phụ nữ (viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo do lậu)
Đặc điểm bệnh lậu ở phụ nữ không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện triệu chứng bệnh (trên 50% trường hợp) vì vậy họ không biết mình bị bệnh nên dễ lây lan cho người khác.
Biểu hiện cấp tính: đái buốt, mủ chảy ra từ niệu đạo, từ cổ tử cung màu vàng đặc hoặc vàng xanh số lượng nhiều, mùi hôi. Bệnh nhân đau khi giao hợp, đau bụng dưới.
Khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nề, chạm vào chảy máu. Mủ chảy ra từ ống cổ tử cung. Có thể thấy niệu đạo đỏ, có mủ từ trong chảy ra hoặc có khi chỉ có dịch đục.
Biến chứng: Viêm tuyến Skène, tuyến Bartholin, viêm vòi trứng, buồng trứng và viêm hố chậu có thể gây chửa ngoài tử cung, vô sinh, viêm hậu môn, trực tràng.
- Ca bệnh xác định: Bệnh lậu được xác định khi nhuộm Gram thấy có song cầu bắt màu Gram (-) nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính và nuôi cấy phân lập được lậu cầu. Hiện nay, có thể phát hiện lậu cầu bằng kỹ thuật PCR với độ nhạy và đặc hiệu cao.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: viêm niệu đạo nam và viêm cổ tử cung ở nữ do nhiễm Chlamydia trachomatis và viêm niệu đạo không do lậu do các tác nhân gây bệnh khác.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: Lấy dịch hoặc mủ cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn và các tuyến Skène, Bartholin ở phụ nữ. Lấy mủ niệu đạo ở nam giới. Có thể lấy nước tiểu ly tâm lấy cặn.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Làm tiêu bản nhuộn Gram soi kính hiển vi.
+ Phân lập vi khuẩn trên môi trường chuyên biệt với vi khuẩn lậu như môi trường Thayer Martin và làm kháng sinh đồ.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân: Neisseria gonorhoeae
- Hình thái: Lậu cầu khuẩn là một song cầu Gram (-) có hình hạt đậu, kích thước 0,8-1mm, không di động, không tạo nha bào, phát triển thành đôi với mặt dẹt quay vào nhau, thường thấy trong bào tương của bạch cầu đa nhân trung tính.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: lậu cầu dễ bị diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô và bởi thuốc sát khuẩn thường dùng.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh đẻ gây lậu mắt trẻ sơ sinh, các lây truyền khác không qua đường tình dục có thể gặp nhưng rất hiếm. Bệnh lậu hay gặp ở người trẻ tuổi, trong độ tuổi hoạt động tình dục mạnh. Theo báo cáo của Viện Da liễu Quốc gia, tỷ lệ người có độ tuổi từ 15 - 49 mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, trong đó có bệnh lậu là từ 93 - 98% (Thống kê từ 1995-2007). Nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh lậu ở một số đối tượng dân cư tại Hà Nội năm 2003 cho thấy phụ nữ hành nghề mại dâm là 3%, nam thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự là 2% và bệnh nhân nam đến khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục là 2,5%. Bệnh hay gặp ở các đô thị, vùng đông dân cư. Tỷ lệ nam mắc bệnh sau một lần quan hệ tình dục với nữ bị bệnh lậu qua đường âm đạo là khoảng 20 - 30%, tỷ lệ này đối với nữ khi quan hệ tình dục với nam bị bệnh là 60 - 80%. Sử dụng bao cao su đúng cách sẽ phòng được mắc bệnh lậu.
4. Nguồn truyền nhiễm bệnh
- Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất của bệnh lậu. Lậu cầu khu trú trong bộ phận sinh dục-tiết niệu của người bệnh và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Nam giới, lậu cầu khư trú chủ yếu ở niệu đạo. Nữ giới, lậu cầu có ở cổ tử cung, niệu đạo, các tuyến Skène, Bartholin. Cả hai giới, lậu cầu có thể khư trú ở trực tràng, họng.
- Thời gian ủ bệnh: Thông thường bệnh lậu có thời gian ủ bệnh ngắn từ 2 - 5 ngày, dao động trong khoảng 1 - 14 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: Bệnh lậu có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh khi chưa có triệu chứng và rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lậu nhưng không có triệu chứng bệnh, đó chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.
5. Phương thức lây truyền: Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và miệng họng. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh đẻ gây lậu mắt trẻ sơ sinh, các lây truyền khác không qua đường tình dục có thể gặp nhưng rất hiếm.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Bệnh lậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam và nữ. Bệnh lậu không có miễn dịch, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh lậu.
7. Các biện pháp kiểm soát bệnh
7.1.Biện pháp dự phòng: Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ về tình dục lành mạnh, tình dục an toàn để phòng nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV/AIDS. Bao cao su có hiệu quả trong phòng mắc bệnh lậu khi dùng đúng cách.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức: bệnh lậu không gây thành dịch, do vậy chủ yếu thực hiện các biện pháp chuyên môn để phòng chống bệnh.
- Chuyên môn:
+ Bệnh nhân mắc bệnh lậu khi đến các cơ sở y tế được khám, điều trị, tư vấn và giữ bí mật.
+ Bệnh nhân lậu không có chế độ cách ly.
+ Phòng chống bệnh: tăng cường khám phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh qua lồng ghép vào chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, màng lưới y tế đa khoa các cấp, hợp tác với y tế tư nhân. Các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ hành nghề mại dâm, người nghiện ma tuý, khách làng chơi cần được giáo dục sức khoẻ, khám điều trị.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Điều trị theo hướng dẫn quốc gia phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân. Đối với các cơ sở y tế không chuyên khoa và tuyến y tế cơ sở, quận huyện không có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo tiếp cận hội chứng; đối với cơ sở chuyên khoa, các cơ sở y tế có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo căn nguyên.
Phác đồ điều trị lậu không biến chứng :
Dùng một trong các loại thuốc sau:
- Cefixim uống liều duy nhất 400 mg, hoặc
- Cetriaxone 250 mg tiêm bắp liều duy nhất, hoặc
- Spectinomycin 2 gam tiêm bắp liều duy nhất, hoặc
- Cefotaxim 1gam tiêm bắp liều duy nhất.
Phối hợp với một trong các loại thuốc sau để điều trị nhiễm chlamydia:
- Azithromycin 1gam uống liều duy nhất, hoặc
- Doxycyclin 100 mg uống 2 viên/ngày trong 7 ngày, hoặc
- Tetracyclin 500 mg uống 4 lần/ngày trong 7 ngày, hoặc
- Erythromycin 500 mg uống 4 lần/ngày trong 7 ngày.
Chú ý: Không dùng Doxycyclin và Tetracyclin cho phụ nữ có thai và cho con bú.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có chế độ kiểm dịch y tế biên giới đối với bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Nguồn: Bộ y tế
Bùi Gia.