Cây Rau Răm - Cây thuốc vườn nhà

Rau Răm vị cay tính ấm, là vị thuốc dân gian được nhiều lương y sử dụng trong khá nhiều bệnh hằng ngày. Ngoài ra, rau Răm còn là loại rau gia vị ăn kèm với các món ăn , mùi thơm đặc trưng của rau sẽ làm giảm đi độ tanh, tránh tình trạng đầy bụng, lạnh bụng của một số đồ ăn như hải sản, cá kèo, trứng vịt lộn,… Hãy cùng thuochay.net khám phá vị thuốc rau Răm.

RAU RĂM
Tên thường gọi: Rau răm, Cây thủy liễu
Tên khác: Polygonum odoratum Lour.
Họ khoa học: thuộc họ Rau răm Polygonaceae.


1. Mô tả, phân bố
  • Cây thảo mọc hằng năm, có tuyến nhiều hay ít. Thân mọc trườn ở gốc và đâm rễ ở các mấu, rồi đứng lên cao 30-35cm. Toàn thân cây, rễ và lá đều có mùi thơm đặc biệt dễ chịu. Lá mọc so le, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn hay to ở chóp, cuống rất ngắn, mép lá và gân chính phủ đầy những lông nhọn khá dài; bẹ chìa ngắn ôm lấy thân, có nhiều gân song song mà phần lớn kéo dài ra thành những sợi dài.
  • Hoa họp thành bông dài, hẹp, mảnh, đơn độc hay xếp từng đôi hoặc thành chùm ít phân nhánh. Quả nhỏ, có 3 cạnh, nhọn hai đầu, nhẵn và bóng.
  • Rau răm là loại cây thích ẩm, chịu nóng và có thể sống trong môi trường ngập nước. Rau dễ trồng đến mức tồn tại gần như hoang dại bởi có khả năng mọc chồi gốc và chồi thân khỏe. Hoa quả của rau răm cũng dùng để làm thuốc được
  • Đây là loài hữu của khu vực Ðông Dương, mọc hoang hoặc được trồng nhiều làm rau gia vị.
2. Bộ phận dùng, thu hái:
  • Bộ phận dùng: Cành và lá
  • Thu hái: cành lá được thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
3. Thành phần hóa học
  • Lá răm có tinh dầu vàng nhạt, mùi thơm mát dễ chịu.
  • Trong tinh dầu có chứa các andehid chuỗi dài như deanal (28%), dodecanal (44%), decanol (11%) và sesquiterpene chiếm khoảng 15%.
4. Công dụng, cách dùng:
  • Theo đông y, rau răm có vị cay nồng, tính ấm , mùi thơm hắc, không độc, có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tỳ vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cẩm tả lỵ. Nó còn giúp trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa).
  • Nhiều tài liệu y văn cổ khẳng định, rau răm đã được người xưa sử dụng để khử trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt, điều hòa kinh nguyệt (?)
  • Rau răm là vị thuốc chữa đau bụng, dạ dày lạnh, đầy hơi, lạnh bụng, nôn mửa, say nắng, khát nước, chữa sốt, làm thuốc lợi tiểu và chống nôn.
  • Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, kém ăn, co gân (chuột rút), ỉa chảy.
  • Dùng ngoài để chữa bệnh ngoài da (hắc lào, sâu quảng) rắn cắn và chó dữ cắn. Ngày dùng 20-30g giã tươi lấy nước uống hay sắc uống.
  • Kinh nghiệm của một số lương y cho rằng, khi dùng làm dược liệu, người ta hay lấy loại rau răm thân đỏ hơi ngả tím có tác dụng tốt hơn loại thân trắng.
5. Một số bài nghiệm phương thuốc độc vị dùng rau răm:
  • Trị rắn cắn: Một nắm rau răm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp vào vết cắn. Trước khi áp dụng nên cố định phần trên vết cắn và làm càng sớm thì mới có kết quả tốt.
  • Trị đầy bụng, trướng bụng: Dùng 1 nắm rau răm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống, còn dùng bã xoa vào vùng quanh rốn.
  • Trị nước ăn chân: Rau răm rửa sạch, giã nát lấy bã đắp chỗ bị đau hoặc giã vắt lấy nước cốt chấm vào, ngày làm 2 lần, giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm
  • Chữa hắc lào, ghẻ lở: Lấy toàn cây rau răm ngâm với rượu trắng, lấy rượu đó bôi hoặc giã nát bã đắp vào rồi băng lại.
  • Trị mụn nhọn giai đoạn sưng nóng: Rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương này dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. Tác dụng chống viêm, hoạt huyết, tiêu độc.
  • Chữa hiện tượng bỗng dung đau tim không chịu nổi: Lấy 50g rễ cây rau răm sắc lấy nước, thêm 1 chén rượu vào uống cùng, mỗi lần 1 chén.
  • Chữa kém ăn: Rau răm ăn theo gia vị hoặc dùng cả cây 10-20g sắc uống sau bữa ăn
  • Chữa ghẻ lở, chốc, sâu quảng: Rau răm toàn cây ngâm rượu. Lấy rượu đó bôi, hoặc giã nát xát hoặc đắp rồi băng lại.
6. Một số bài thuốc nghiệm phương dùng rau răm với các vị thuốc khác để chữa bệnh
  • Chữa tê bại, vết thương bầm tím sưng đau: rau răm tươi giã nát trộn với Long não hoặc dầu Long não hay cồn Long não, xoa hoặc băng vào các nơi tê đau.
  • Chữa đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: Lấy 16g rau răm khô, 16g kinh giới, 12g bạch truật, 12g lương khương, 10g quế, 4g gừng tươi nướng. Tất cả cho đun cùng 2 bát nước cho đến khi còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.
  • Bị say nắng trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê: Rau răm 30g, Sâm bố chính 20g (tẩm nước gừng), rễ Ðinh lăng (lá nhỏ) 16g, Mạch môn 10g; các vị thuốc sao vàng, sau đó sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
  • Chữa cảm cúm, sổ mũi:
    • Lấy 1 nắm rau răm, 03 lát gừng tươi, giã nhỏ vắt lấy nước uống.​
    • Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g. Tất cả sắc với 500 ml nước cho đến khi còn khoảng 300 ml chia ngày uống 02 lần.
  • Làm đẹp: Rau răm 01 nắm, muối tinh ¼ thìa cafe, giã nát lọc lấy nước cốt. Mặt rửa sạch với nước ấm, lấy nước cốt thoa đều lên trên mặt và để tự khô. Sau 2 tiếng, rửa sạch mặt với nước mát. Tắc dụng làm se khít chân lông giúp da sạch và đỡ mụn.
  • Ẩm thực:
    • Rau răm ( và gừng) được dùng để ăn kèm với các món ăn khác như trứng vịt lộn, kho cá kèo, ăn kèm với hải sản, canh ngao chua, cháo lươn, gà nộm….
    • Đó là sự cân bằng tính hàn và đại bổ dưỡng của các món ăn trên, rau răm ( và gừng ) làm cho thức ăn ấm lại, tránh tình trạng đầy bụng, lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa.
Lưu ý:
- Theo các bác sĩ đông y thì ăn rau răm nhiều sẽ sinh nóng, nhiệt, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục.
- Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể gây giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
- Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt không nên ăn rau răm dễ bị rong huyết.
- Người có thai không nên ăn nhiều rau răm, vì có thể gây sảy thai.
- Những người máu nóng, ốm gầy đặc biệt không nên ăn rau răm.
Nguồn: Tổng hợp
Lời tâm sự:
  • Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
  • Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
  • Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
  • Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Bùi Gia.