Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh


Bệnh vàng da trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh rất phổ biến và có thể xảy ra khi trẻ có bilirubin cao, sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu bình thường. Ở trẻ sơ sinh, các tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và phá hủy, nhưng sự phá hủy diễn ra nhiều hơn hay là hiện tượng vỡ các hồng cầu sau sinh này, khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin. Sau đó bilirubin sẽ được chuyển hóa tại gan bé và đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu. Nhưng do gan của trẻ sơ sinh làm việc còn yếu nên việc thải bilirubin này không hiệu quả gây ra tình trạng tăng bilirubin trong máu, gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Có thể gọi nó là vàng da sơ sinh sinh lý.
Trong hầu hết các trường hợp, vàng da sinh lý sẽ tự hết dần khi gan của bé phát triển và khi bé bắt đầu ăn, giúp thải bilirubin ra khỏi cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, vàng da sẽ biến mất trong vòng từ 2 đến 3 tuần.
Tuy nhiên bên canh đó có hiện tượng vàng da gọi là vàng da bệnh lý , thường chứng vàng da kéo dài hơn ba tuần có thể là triệu chứng của bệnh lý. Ngoài ra, nồng độ bilirubin ở mức cao có thể khiến trẻ có nguy cơ bị điếc, bại não hoặc các dạng tổn thương não khác. Đó là lý do tại sao Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh phải được kiểm tra dấu hiệu vàng da (hoặc ít nhất là 8 đến 12 giờ) trước khi xuất viện, và vài ngày sau khi xuất viện .


Nguyên nhân gây ra bệnh vàng da sơ sinh là gì?
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị vàng da sơ sinh là:
  • Trẻ sơ sinh non tháng, hoặc trẻ sinh ra trước 37 tuần
  • Trẻ sơ sinh không đủ sữa mẹ (hoặc sữa bột)
  • Trẻ sơ sinh có loại máu không tương thích với nhóm máu của mẹ: sẽ xảy ra hiện tượng các kháng thể phá huỷ các tế bào hồng cầu và làm bilirubin của bé tăng cao đột ngột.

Các nguyên nhân khác của vàng da trẻ sơ sinh :
  • Bầm tím khi sinh hoặc xuất huyết nội.
  • Bệnh lý về gan, mật
  • Nhiễm trùng
  • Thiếu hụt enzyme
  • Bé có sự bất thường về hồng cầu.
Các triệu chứng của vàng da trẻ sơ sinh?

Ở góc nhìn của mẹ: Dấu hiệu đầu tiên của chứng vàng da là da bé vàng hơn và kết mạc mắt (lòng trắng) của đứa trẻ cũng bị vàng. Dấu hiệu vàng da này có thể bắt đầu trong vòng hai đến bốn ngày sau khi sinh và có thể bắt đầu ở mặt của bé trước, sau đó lan xuống khắp cơ thể. Nồng độ bilirubin thường cao nhất từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Nếu mẹ dùng một ngón tay ép nhẹ nhàng lên da của em bé khiến cho vùng da trở nên vàng, có thể đó là dấu hiệu của bệnh vàng da.
Quan trọng hơn, dưới góc nhìn của bác sĩ là đánh giá tình huống vàng da này là sinh lý hay bệnh lý?

Vàng da sinh lý:
thường chiếm 45 - 60% trẻ đủ tháng và hơn 60% trẻ đẻ non. Có một số đặc điểm
  • Thời gian xuất hiện vàng da sau 24 giờ tuổi.
  • Mức độ vàng da nhẹ - trung bình
  • Tốc độ vàng da tăng chậm; đạt mức độ cao nhất vào ngày thứ 3 - 4 (trẻ đủ tháng), ngày thứ 5 - 6 (trẻ đẻ non) rồi giảm dần.
  • Vàng da kéo dài dưới 10 ngày.
  • Vàng da đơn thuần, không kèm với các dấu hiệu bất thường khác.
Không có test đặc hiệu nào để chẩn đoán vàng da sinh lý và chỉ nên nghĩ tới vàng da sinh lý sau khi đã loại trừ các nguyên nhân gây vàng da khác. Dẫu vàng da sinh lý thì vấn đề quan trọng là bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi sát hàng ngày về mức độ, tốc độ, thời gian kéo dài vàng da, các dấu bất thường, cũng như xét nghiệm máu bilirubin từng bước đánh giá, để phát hiện sớm vàng da bệnh lý, kịp thời điều trị, tránh được những biến chứng nặng nề.

Khi nào nên cho bé đi khám bệnh:
Bệnh viện thường cho ra viện hầu hết các bà mẹ và trẻ sơ sinh trong vòng 72 giờ sau khi sinh. Điều rất quan trọng là mẹ nên mang theo bé để khám nghiệm vài ngày sau khi sinh, vì mức độ bilirubin cao nhất từ 3 đến 7 ngày sau sinh.
Khi khám bác sĩ chỉ cần nhìn bằng mắt cũng đã biết bé bị vàng da hay không! Nhưng có thể cần thêm các xét nghiệm máu để xác định mức độ nghiêm trọng của vàng da.
Hầu hết các trường hợp vàng da là bình thường, nhưng đôi khi vàng da có thể chỉ ra một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Chứng vàng da nghiêm trọng khi bilirubin tăng cao quá mức và đi vào não, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Khám bác sĩ nếu mẹ nhận thấy bé có các triệu chứng:

Vàng da bệnh lý :
Vàng da có thể do ứ đọng bilirubin gián tiếp hoặc bilirubin trực tiếp trong cơ thể.
  • Vàng da xuất hiện sớm trước 24 - 36 giờ tuổi.
  • Mức độ vàng da vừa đến rõ, vàng toàn thân
  • Tốc độ vàng da tăng nhanh
  • Vàng da kéo dài trên 1 tuần (đủ tháng) hay trên 2 tuần (đẻ non).
  • Vàng da có kèm với bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.
Vàng da bệnh lý khi kèm bất kỳ dấu hiệu bất thường như:
  • Nôn.
  • Bú kém, bụng chướng.
  • Ngưng thở.
  • Nhịp thở nhanh.
  • Nhịp tim chậm.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Sụt cân.
  • Xanh tái, ban xuất huyết.
  • Dấu thần kinh: ngủ lịm, li bì, kích thích, gồng cứng người, co giật, hôn mê.
Ngoài ra kèm các triệu chứng biểu hiện riêng biệt của những bệnh lý nguyên nhân hay chỉ có chuyên môn mới biết như gan to, lách to,..
Để có thể tiếp cận chẩn đoán vàng da sơ sinh bệnh lý bác sĩ cần phải hỏi kỹ tiền sử, bệnh sử, phát hiện triệu chứng lâm sàng kèm theo với vàng da và dựa vào xét nghiệm máu bilirubin từng bước đánh giá.
Trẻ sơ sinh bị vàng da trong 24 giờ đầu tiên sau sinh cần phải đo nồng độ bilirubin ngay lập tức, thông qua xét nghiệm máu.
Các xét nghiệm bổ sung có thể là cần thiết để xem nếu bệnh vàng da của trẻ là do nguyên nhân nào? Bác sĩ có thể làm thêm xét nghiệm máu như công thức máu, xét nghiệm nhóm máu của bé, kiểm tra sự không tương thích của yếu tố Rhesus (Rh), thử nghiệm Coombs, có thể làm thêm siêu âm…

Bệnh vàng da trẻ sơ sinh được điều trị như thế nào?
Chứng vàng da sinh lý thường là nhẹ và tự giải quyết vì gan của em bé bắt đầu trưởng thành. Mẹ cho bé bú thường xuyên (từ 8 đến 12 lần một ngày) sẽ giúp trẻ sơ sinh đào thải bilirubin.
Bệnh vàng da bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể cần các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp trị liệu bằng chiếu đèn là phương pháp điều trị thông thường và có hiệu quả cao, sử dụng ánh sáng để phá vỡ bilirubin trong cơ thể của em bé. Trong liệu pháp trị liệu bằng ánh sáng, bé sẽ được đặt trên một chiếc giường đặc biệt dưới ánh sáng màu xanh, trong khi bé chỉ mặc một cái tã và được đeo kính bảo vệ mắt đặc biệt. Trong những trường hợp rất nặng, có thể cần truyền máu. Khi truyền máu, bé sẽ nhận được một lượng nhỏ máu từ người hiến tặng hoặc ngân hàng máu. Việc này sẽ thay thế máu bị hỏng của bé bằng các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh. Điều này cũng làm tăng số tế bào hồng cầu của bé và làm giảm mức bilirubin.
Điều trị nguyên nhân: Tùy theo từng nguyên nhân gây vàng da để có những chỉ định điều trị triệu chứng và điều trị đặc hiệu (bằng thuốc như kháng sinh trong vàng da nhiễm khuẩn hay phẫu thuật khi tắc mật
bẩm sinh...) một cách thích hợp.

Có thể ngừa bệnh vàng da trẻ sơ sinh được không?
Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh vàng da sơ sinh. Trong thời gian mang thai, mẹ có thể kiểm tra nhóm máu của mẹ và ông xã. Sau khi sinh, nhóm máu của bé sẽ được kiểm tra nếu cần thiết để loại trừ khả năng không tương thích nhóm máu có thể dẫn đến vàng da sơ sinh. Nếu bé bị vàng da, có nhiều cách mẹ có thể ngăn ngừa chứng bệnh này trở nên trầm trọng hơn, như:
  • Đảm bảo bé có đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ. Cho bé bú 8 đến 12 lần một ngày trong vài ngày đầu đảm bảo rằng em bé không bị mất nước, giúp bilirubin thải ra nhanh hơn.
  • Nếu mẹ không thể cho con bú sữa mẹ vì chưa có sữa kịp thời, có thể chọn sữa công thức cho bé bú mỗi 2 đến 3 giờ trong tuần đầu tiên. Trẻ sơ sinh non tháng hoặc nhỏ hơn có thể uống ít sữa bột hơn. Nên tư vấn với bác sĩ, nếu mẹ quan tâm đến việc bé đang dùng quá ít hoặc quá nhiều sữa công thức hoặc nếu trẻ không thức dậy ít nhất 8 lần trong 24 giờ.
Theo dõi cẩn thận bé trong 5-7 ngày đầu tiên sau sinh các triệu chứng của bệnh vàng da, chẳng hạn như vàng da và mắt. Nếu mẹ nhận thấy rằng bé có các triệu chứng bệnh vàng da, hãy cho bé di khám ngay lập tức.
Nguồn: Tổng hợp
Bùi Gia.